Những chuyến đi theo tiếng gọi của tuổi trẻ

Với Tôi, “Đi là Đi”, là những chuyến “đi” ngấu hứng không lịch trình rõ sẵn, đôi khi, chẳng biết mình sẽ đi đầu và về đâu, chỉ đi bằng niềm đam mê và trải lòng, chinh phục những xúc cảm khó diễn tả, là những chuyến đi của tuổi trẻ, của tiếng gọi con tim”, một người bạn trẻ mê du lịch triết lý về các chuyến bụi đầy khác biệt của mình.

mình

Giáp Văn Hải (23 tuổi, quê Bắc Giang) đã từng đi xuyên việt một mình (vừa đi vừa kiếm tiền) suốt gần một năm ròng (Cuối năm 2011 đến tháng 6/2012), đặt chân hầu hết các tỉnh, thành của nước ta, đến nhiều nơi địa danh coi là thử thách lòng của dân “Phượt” (Cực Tây, Bắc, Đông, Nam …)
Có những lúc phải “Hành khất” để có dược những câu chuyện thú vị, nhiều bạn trẻ ưa thích du lịch “bụi” thấy “say mê” trước chuyến đi ấy của Hải .… Sau này, Hải tới thăm lại rất nhiều vùng đất từng đi qua, vẫn giữ liên lạc với những “người lạ” quen biết dọc đường, thậm chí còn đóng vai trò kết nối những người em, người bạn đang có kế hoạch cho một chuyến đi tương tự với chính những “người lạ đã quen” kia. Có lẽ với ngần ấy “thành tích”, trong đánh giá của nhiều người, Hải là một phượt tử “có số có má”. Nhưng Hải bảo, cậu không gọi nó là phượt, chỉ đơn giản là những chuyến đi ngẫu hứng, rùi đầy xúc cảm trên những con đường.

Đi “tìm mình”

toidiKhác với các bạn cùng trang lứa đang ngồi trên ghế giảng đường, vẫn đang băn khoăn “liệu mình đã lựa chọn đúng ngành học đam mê?”, Hải quyết định bỏ ngang đại học để Nam tiến trong một hành trình mang tên “đi – tìm – chính – mình”.
Với Hải đi là để trải nghiệm và tìm cho mình một ước mơ thực sự đem lại lợi ích cho xã hội. Cậu cho rằng chuyến xuyên Việt đầy trải nghiệm lần ấy đã giúp cậu được học trong trường “Đại Học Bôn Ba” bởi ngoài việc được tiếp xúc nhiều người, nhiều nền văn hóa khác nhau cậu còn có một niềm vui nho nhỏ khi đã tự vượt qua được những giới hạn bản thân, có thể tự nhấc bổng mình ra khỏi những suy nghĩ thường nhật.
Hải đã từng nghĩ trong xã hội hiện tại, sự đa nghi khiến các mối quan hệ trở nên xa cách niềm tin trở thành thứ gì đó xa xỉ và đắt đỏ. Nhưng suốt gần một năm lang thang đi dọc dải đất chữ S, Hải thấy người tốt có mặt ở khắp mọi nơi. “Thứ mà tôi phải làm trên đường là học cách nhận sự giúp đỡ của người khác. Lúc ấy tôi cảm nhận rõ nhất đâu là lòng tốt một cách tự nhiên bởi họ giúp đỡ tôi mà không mảy may vụ lợi”, Hải chia sẻ.

Hãy đi theo cách của bạn

Với Hải, luôn có những giới hạn, rào cản “ngáng đường” người trẻ thẳng tiến tới ước mơ, đam mê của mình. Để vượt qua đó, rất cần sự dũng cảm và các chuyến đi sẽ là một cách để tôi luyện tinh thần ấy: “Nếu một ngày bạn có cơ hội để đi, thì bạn hãy cứ đi, đi theo cách của bạn.”
Hải chia sẻ: “Có bao giờ bạn rơi vào tình cảnh đói khát và đang ở một nơi hoàn toàn xa lạ? Có bao giờ bạn mở mắt ra thấy xung quanh mọi thứ thật kỳ thú, không ai biết bạn và ngay cả bạn cũng chợt không nhận ra mình là ai. Lúc ấy vừa có cảm giác sung sướng, giúp mình can đảm làm con người không còn biết ngại điều gì cả, làm cho mình là mình chứ không thể là ai khác”. Ví như lần Hải đặt chân đến Đà Lạt, sáng sớm tỉnh dậy cậu có cảm giác như lạc vào một cõi kỳ ảo nào đó, mọi thứ đều xa lạ, và lúc ấy có cảm giác chân thật nhất rằng đang được là chính mình, thúc giục bản thân bắt đầu tìm kiếm cơ hội mới. Và cơ hội gần nhất lúc đó chính là xin lấy cho bản thân ngụm nước, mẩu bánh mì.
Cậu bạn này cho rằng, cơ hội để “đi” luôn ở xung quanh ta, hãy nắm bắt và có những chuyến đi “cộp mác” của riêng mình. Biết đi là biết nhớ, sau mỗi chuyến đi, đa số đều sẽ thấy yêu, thấy quý, biết cách giữ gìn những thứ mình đang có.
Những cảm xúc không mua được bằng tiền

Không nắm trong tay kho thành tích đi lại “khủng” như Hải, song Nguyễn Minh Tiến (23 tuổi, cựu sinh viên trường Cao đẳng Cơ điện HN) cũng có quan điểm phượt rất độc đáo: chỉ đi vì cần đi, đi bằng con tim trí óc, lòng can đảm chứ không hẳn là chỉ đi bằng đôi chân. Theo đó, mỗi cuộc hành trình của Tiến đều là một lần được sống, trải nghiệm với nỗi khát khao tự do và niềm say mê bất tận. Luôn có tư tưởng Xê dịch cùng với một tâm hồn nghệ sỹ, đó là lý do tại sao Tiến đã từ bỏ công việc ở công sở ổn định để tìm đến một công việc mới thoải mái hơn về thời gian, để được sống và tận hưởng trọn cảm xúc mà những cung đường mang lại cho mình.
Có lần được đắm mình trong cung đường Đông Bắc (TP Hà Giang –Quản Bạ – Yên Minh – Phó Bảng – Lũng Cú – Đồng Văn- Mã Pì Lèng -Mèo Vạc), Tiến cảm nhận những con đường như đều có những nhịp điệu riêng của nó. Có đường chạy bằng số 2 hoặc số 2-3, có đoạn dốc xế phải “đá số” liên tục 1-2 để ì ạch “bò”, lại có những đoạn đổ đèo thì cần phải cắt côn, dìm số tích kiệm số xăng đi đường. Theo Tiến, trải nghiệm thú vị và mạo hiểm nhất trong chuyến này có lẽ là khi đổ đèo buổi đêm, tầm nhìn chỉ từ ánh đèn xe máy rọi xuống đường, sương mù che phủ, thứ cậu tập trung duy nhất là con đường và lúc đó chỉ có nó là người bạn đồng hành của Tiến.
Tiến bảo mình không phải dân phượt, cũng chẳng có tác phong chuyên nghiệp như dân phượt, đa số hành trình của cậu đều tự phát và đi theo cảm hứng. “Nhớ lần xách balo một mình đi du lịch bụi đến Nha Trang, chuyến đi kéo dài gần 1 tuần lễ, điểm đến đầu tiên là danh thắng Hòn Vợ – Hòn Chồng, buổi trưa hôm ấy mình đã chọn được một nơi yên ả để đặt lưng nghỉ trưa, lấy balo gối đầu nằm dài và tận hưởng những phút giây tuyệt vời nhất của riêng mình. Mình tin, cảm giác đó còn tuyệt hơn khi bạn nghỉ dưỡng ở khách sạn năm sao rất nhiều, một xúc cảm không thể mua được bằng tiền mà bạn chỉ có thể trải nhiệm theo cách tự do của riêng bạn”, Tiến nói.
Đi không phải để khoe

Là con gái, Lê Thị Huyền Trang (năm 3, trường ĐH Ngoại Thương HN) mang trong mình sở thích lạ lùng: “Đi là để hành xác.”
Trang bảo: “Mỗi chuyến đi ấy tôi được vận động toàn bộ cơ thể, trong khi ở thành phố chỉ đi bộ thôi cũng là một điều xa xỉ. Đặc biệt, chỉ khi đi “hành xác”, bạn mới có thể cảm nhận và quý trọng kết quả của cuộc hành trình, biến cuộc hành trình trở thành một ký ức không thể nào quên. Với các chuyến đi đã từng thực hiện, trong ký ức tôi luôn nhớ nhất 3-4 vụ bởi tính chất “hành xác”, và đầy bất ngờ của nó. Đối với tôi, đi để cảm nhận, để ghi lại ký ức chứ chẳng phải để khoe”.
Và cuối cùng, điều làm Trang cảm thấy thích thú nhất khi đi theo kiểu “hành xác” đó là chuyến đi thường chỉ có ít người (vì không phải ai cũng muốn đi để chịu vất vả). Sẽ không còn cảnh một đoàn 50 xe chạy trong tình trạng chẳng biết mặt nhau, sẽ không còn tình trạng đoàn bị chia 5 xẻ 7 rồi cho tới tận lúc về, chẳng thành viên nào lưu giữ những mảng ký ức về nhau: “Đi phượt đâu chỉ để cảm nhận những cung đường, những khung cảnh đẹp như tranh vẽ trên đường đi, mà còn để cảm nhận tình người nữa”.

Theo Đinh Thùy – Báo Sinh Viên Việt Nam

About Tiêu Dao

Mình là người sống nội tâm - mê ngoại hình đặc biệt là hay xúi người khác sống tủ tể... Kết bạn với tôi qua Facebook: https://www.facebook.com/nguoichiaseaz/

Leave a Reply