cua huỳnh đế lý sơn
cua huỳnh đế lý sơn

Đặc sản đảo Lý Sơn – Đến đảo Lý Sơn ăn gì?

Lý sơn không chỉ hút hồn bởi hòn đảo xinh đẹp, xanh như ngọc giữa Biển Đông, mà còn là nơi có nhiều đặc sản, món ăn ngon hấp dẫn thôi thúc đôi chân các bạn trẻ lên đường.

Xem : Kinh nghiệm tự du lịch đảo lý sơn chi tiết mới nhất

Các món ăn ngon và đặc sản đảo Lý Sơn

1. Bánh ít lá gai

Bánh ít lá gai lý sơn
Bánh ít được bán rất nhiều ở Lý Sơn

Muốn ăn bánh ít lá gai,
Có chồng ngoài đảo cho dài đường đi.

Bánh ít lá gai là loại bánh được mọi người dân nơi đây đặc biệt ưa chuộng. Do đặc biệt ưa chuộng nên các chị, các mẹ ở đất đảo này rất có kinh nghiệm và sở trường để làm ra thứ sản phẩm bánh ít thơm ngon, mà các nơi khác trong tỉnh và ngoài tỉnh, có lẽ chưa có nơi nào bằng. Bánh ít lá gai này có cội nguồn từ Bình Định. Nhưng khi du nhập vào đất đảo này, người Lý Sơn đã không phụ công nơi sản sinh nó mà càng cho bánh ít thêm thăng hoa hơn.

Bánh ít lá gai có mùi thơm đậm đà của bột nếp, của lá gai, vị ngọt, vị béo của đường, nhân dừa, đậu xanh, hương của lá chuối, dầu phụng hòa quyện với nhau thành một thứ hương vị độc đáo và hấp dẫn khó quên. Bánh ít để lâu tối đa được một tuần lễ. Hai, ba ngày sau khi nấu chín là thời điểm ăn bánh ngon nhất, có đầy đủ mùi vị nhất.Bánh cũng xuất hiện trong các lễ hội quan trọng của người dân Lý Sơn.

Tỏi Lý Sơn

Tỏi trên đảo Lý Sơn
Tỏi trên đảo Lý Sơn

Lý Sơn là một đảo núi lửa cũ, đất trên đảo là đất nham thạch núi lửa đã qua nghìn triệu năm. Nhưng nếu chỉ trồng trên đất này không thôi thì tỏi Lý Sơn chưa thể có hương vị đặc trưng độc đáo như vậy. Người trồng tỏi ở đây thật kỳ công, họ mang về từ biển những bao cát để trải trên bề mặt lớp đất trồng tỏi. Đó không phải cát biển bình thường mà là một loại cát đặc biệt: được tạo nên bởi những lớp vỏ hàu, vỏ ốc đã mủn qua thời gian hàng trăm nghìn năm. Cát ấy khi được trải trên đất trồng tỏi không chỉ làm cây tỏi tươi tốt, mà còn tạo cho củ tỏi một hương vị đặc biệt không loại tỏi nào trên thế giới này có được. Hành và tỏi Lý Sơn giờ đã trở thành món quà mang về quen thuộc của du khách

Tỏi Lý Sơn thơm dịu, cay dịu, không gây sốc cho người ăn và không để lại trong miệng mùi hôi của tỏi thường. Tép tỏi nhỏ nhưng chắc, và nó không chỉ là một thứ gia vị hảo hạng mà còn là một vị thuốc quý. Người Quảng Ngãi rất chuộng loại “tỏi một” của Lý Sơn – tức củ tỏi chỉ có một tép – khi ngâm rượu “tỏi một” thành một vị thuốc chữa cao huyết áp và mỡ máu, hạ cholesterol trong máu, nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Ngoài ra bạn có bạn có thế chế biến tỏi đen từ tỏi lý sơn.

Gỏi tỏi Lý Sơn

gỏi tỏi Lý SơnTỏi nhổ về cắt bỏ phần rể, lấy phần thân và một ít lá gần thân, lột bỏ lớp vỏ ngoài cùng, chẻ nhỏ, cắt ngắn rồi rửa sách, để ráo nước, đem hấp cách thủy cho chín. Khi ăn cho gia vị vào gồm: Đường, tiêu, bột ngọt, muối rang với quả chanh vắt lấy nước, trộn điều, bóp nhuyễn, rắt đậu phông (lạc) và là ăn được. Món gỏi tỏi vừa đơn giản vừa thơm, hơi cay của vị tỏi tạo cho ta một cảm giác khó quên

Ốc tượng

Ốc Tượng Lý Sơn
Ốc Tượng Lý Sơn

Ốc tượng thuộc loại ốc to trong các loài ốc ở biển. Dọc theo bờ hải đảo có rất nhiều ốc tượng sinh sống. Chúng bám vào các bãi đá ngầm ở tầng sâu nhất cho nên việc bắt chúng không dễ dàng, hơn nữa, mỗi khi thấy bóng dáng người đến gần thì chúng càng bám chặt vào đá rất khó gỡ ra. Loại ốc tượng to và ngon nhất là loại lớn cỡ bàn tay xòe, nặng khoảng nửa ký. Ốc tượng bắt về còn tươi, nếu còn sống thì thả vào hồ nước mặn để dự trữ khi cần ăn. Nếu làm món để ăn liền thì đem ốc rửa sạch bằng nước muối hay nước biển, sau đó mới cho nguyên cả con vào nồi nước sôi để luộc. Khi ốc vừa chín, vớt ra và lấy thịt. Thịt ốc trắng và trong như thịt mực hấp, vừa thơm lại giòn giòn như gân sụn.

Ốc thường chế biến theo hai cách: nấu cháo ốc và làm món trộn, hay còn gọi là gỏi ốc. Nấu cháo ốc cũng đơn giản như nấu cháo gà, cháo vịt vậy. Bỏ gạo vào nồi rồi bắc lên lò than hồng. Khi gạo đã hơi nhuyễn thì bỏ thịt ốc vào. Có người thì xắt thịt ốc ra từng miếng cho vừa ăn rồi mới bỏ vào cháo, có người thì thích để nguyên cả con như nấu cháo gà, cháo vịt, sau đó vớt nguyên con ốc ra ngoài rồi mới xắt nhỏ theo ý của mỗi người. Ăn cách nào cũng ngon cả. Ngoài ra, tô cháo ốc còn phải thêm gia vị cho đậm đà, hấp dẫn như hành, tiêu, ớt, ngò, nhất là nước mắm phải nêm cho thật ngon. Món ốc trộn thì làm công phu hơn món cháo. Thịt ốc luộc vừa chín đem cạy ra khỏi lớp vỏ ốc, xắt thành từng miếng thật mỏng, sau đó đem trộn chung với đậu phộng rang giã dập, các thứ gia vị như tỏi, ớt, chanh, tiêu, bột ngọt, nước mắm cá cơm (loại đặc sản tại địa phương) và đĩa ra thơm, rau sống đủ loại cộng thêm chồng bánh tráng nướng giòn.

Cua Huỳnh Đế

cua huỳnh đế lý sơn
cua huỳnh đế lý sơn

Cua huỳnh đế to bằng bàn tay xòe, mình khum tròn, nhìn giống con bọ khổng lồ hay có con hình dáng như loài rùa, đầu cua hơi chúi xuống, có màu đỏ hồng, mai hình vuông, càng và que ngắn, đầu cua dài và có nhiều râu Cua Huỳnh đế có những con ở vùng biển nước sâu nặng hơn 1 kg.

Ở vùng biển Bình Định – Quảng Ngãi, giống cua này được ngư dân tôn xưng là vua của các loài cua tức cua Huỳnh đế. Tên gọi cua huỳnh đế được lý giải khá thú vị. Nguyên thủy tên cua là “hoàng đế”, nhưng thuở xưa quan địa phương lệnh dân phải đọc trại đi vì sợ phạm húy (chúa Nguyễn Hoàng). Theo lời kể của các lão ngư dân miền Trung, ngày xưa, khi vua du ngoạn ở các vùng biển đẹp, thấy ngư dân nơi đây đánh bắt được loại cua lạ, có màu đỏ hồng như chiến bào, hình dáng như loài rùa nên ăn thử. Ăn thấy ngon, tốt cho sức khỏe nên vua truyền cho các địa phương có loại cua này phải dâng lên hoàng cung. Từ đó tên gọi cua huỳnh đế còn gọi là hoàng đế, cua vua lưu truyền trong dân gian

Chả cá Lý Sơn

Chả cá lý sơn
Chả cá lý sơn

Điều cốt yếu tạo nên miếng chả cá “rất Lý Sơn” này là cá tươi rói chưa qua ướp đá. Vì thế, chả cá Lý Sơn không phải “sản xuất” quanh năm mà chỉ những khi trời yên biển lặng, thuyền chở cá về thì chả mới ra lò. Nếu cá không tươi thì chả cá làm ra sẽ không có màu trắng hồng đẹp mắt, không thơm, không dai.

Điểm thứ hai quyết định đặc trưng của chả cá Lý Sơn là có sự “tham gia” của tỏi Lý Sơn! Người làm chả cá ở Lý Sơn có một nguyên tắc: Chỉ dùng tỏi Lý Sơn làm gia vị để ướp chả. Được biết, cá tươi mà trộn với tỏi Lý Sơn mới chỉ vừa trộn xong chưa cần chiên, hấp đã dậy mùi thơm nức. Nếu dùng tỏi khác hương vị sẽ kém hẳn.

Cá Tà Ma

cá tà ma
Ngư dân với con cá tà ma vừa đánh được.

Tà ma là một loại cá sống ở biển, da có vảy màu nâu đen, thân dẹt, hình giống như con cá rô phi nước ngọt nhưng to hơn. Theo người dân ở đảo, sở dĩ loài cá này có tên tà ma là do chúng sống chủ yếu ở các gành rạn, rất lanh khôn, khó đánh bắt, nên dân gian gọi như vậy chứ không thể giải thích cặn kẽ được.

Ăn cá tà ma tùy theo mùa. Để hợp khẩu vị, mùa đông người dân ở đây thường dùng món nướng. Mùa hè nắng nóng thì nấu canh hẹ, canh chua, nấu lẩu, cháo. Hôm đó, buổi chiều vừa ngấp nghé, trời còn nóng nên chúng tôi chọn dùng món cá tà ma nấu canh chua lá giang. Cá được làm sạch, nạo bỏ hết vảy, cắt thành từng khúc sắp nguyên hình lên đĩa. Lá giang chọn sẵn phần non một đĩa to, một nồi nước đun sôi trên bếp ga mini, có nhiều gia vị đính kèm như thơm (dứa), me, một chén muối ớt…

Khi nước trên bàn đã sôi, thả cá vào nồi đậy nắp lại, đợi khoảng 5 phút nước sôi đều rồi mở nắp, vò lá giang đã chuẩn bị bỏ vào. Mười phút sau, khi cá đã chín, nêm thêm các gia vị đã chuẩn bị sẵn, là đã có một nồi canh chua ngon lành bốc khói.

Canh chua cá tà ma tỏa mùi thơm dịu. Hương cá hòa quyện hương lá giang theo làn gió nồm bay khắp quán làm những khách bàn bên cũng nôn nao dạ dày. Thịt cá chín chuyển từ màu trắng đỏ sang màu trắng, săn chắc, trên nồi nước có những váng mỡ cá liu riu…

Ăn cá tà ma ta cảm nhận được cái dai, ngọt của thịt cá. Đặc biệt phần lườn được xem là chỗ ngon hiếm, ai cũng tranh thủ gắp một ít để thưởng thức vị béo rất riêng. Có thể ăn cá tà ma nóng hôi hổi trên bếp, vừa thổi vừa ăn, vừa húp; cũng có thể gắp phần thịt cá để ra riêng một cái đĩa dầm nước mắm cá cơm nguyên chất cho thấm rồi ăn, sẽ đậm đà hơn. Ngoài ra, canh chua cá tà ma có thể ăn kèm với bún tươi thay cơm. Thịt cá tươi thơm ngon nên nước canh chua cũng không kém phần hấp dẫn.

Dưa hấu Hắc mỹ nhân

Dưa hấu mỹ nhân lý sơn
Dưa hấu ở Lý Sơn ăn ngọt và giá lại rất rẻ

Sau khi thu hoạch vụ tỏi chính (khoảng tháng 2 âm lịch), nông dân tận dụng chất dinh dưỡng còn trong đất để trồng dưa hấu, hoặc có thể trồng cùng lúc với vụ hành. Dưa được trồng phủ khắp mặt ruộng theo cách tự nhiên. Khi cây dưa ra quả, dưa chín đến đâu hái bán đến đó. Mỗi ngày người dân chỉ bán vài ba tạ cho thương lái. Dưa hấu Lý Sơn không quá to, quả lớn nhất cũng chỉ 3 – 4 kg. Tuy nhiên, hương vị của nó thì rất đặc biệt, ngọt, thanh và có mùi thơm rất riêng. Chính vì thế mà dưa hấu Lý Sơn trở thành một sản phẩm độc đáo, vừa ngon lại vừa “lành”.

Còn chờ gì nữa, tại sao không xách balo lên và đi?

Xem thêm kinh nghiệm tự du lịch đảo Lý Sơn mới nhất để tiết kiệm chi phí và có chuyến đi vui vẻ.

 

About